Thế thác đổ
Thế thác đổ là thể kiểng cổ ít có thấy, là thế huyền độc thụ thân nằm bò qua miệng chậu
Thế này kiểng cổ ít có thấy, là thế huyền độc thụ thân nằm bò qua miệng chậu, như bị trận cuồng phong xô ngã xuống ao, nên ngọn cây bẻ cong, thòng xuống thấp hơn đáy chậu. Dáng thật mềm mại uốn cong hợp lý theo luật hồi đầu tự nhiên, vươn lên lúp búp có từng bậc rất đẹp, biều hiện cho sức sống làm cho người xem có cảm giác dễ chịu.
Sau đây tôi xin giới thiệu 1 bài viết khá chi tiết về cách làm cây thác đổ, tạo 1 cây từ thẳng sang đổ.
Quá trình từ phôi cho đến lúc cây nằm ra phải mất 2 năm. Mất ít nhất cũng 5 năm cho hình thành bộ tàn, và cũng mất khoảng 3 lần thay chậu từ lớn sang nhỏ hơn để nó sống được trong chậu nhỏ.
Phôi ban đầu thường không có nằm đổ mà mọc thẳng. Để chuyển một cây từ thẳng sang đổ là một quá trình kéo dài qua nhiều năm, nghiêng từ từ từng bước. Cây mọc thẳng mà hạ cái rụp thành cây đổ thì rễ chổng ngược lên trời, rễ ở phía trên không có gì để ăn, còn rễ phía dưới không thể chống đỡ được trọng lượng của cây.
Trước tiên phải xử lý bộ rễ, các rễ nổi mà chúng ta thấy trong cây ở trên là rễ đã được làm lại sau này, rễ ban đầu của cây đã được cắt bỏ đi. Cây này lúc đầu hướng phía trên có 3 cái rễ mọc ra như hình. Nếu cho đổ luôn, ta thấy 3 cái rễ chổng ngược lên trên, nuôi kiểu này cây chết chắc.
Không thể cắt 3 cái rễ này ngay lập tức được, vẫn trồng cây như dáng ban đầu của nó, nuôi một thời gian để cây ra rễ mới, khi nào bộ rễ đủ mạnh thì dần dần cắt bỏ 3 rễ kia đi. Sau khi cắt bỏ rễ cũ thì mới tiến hành cho cây đổ từ từ.
Dưới đây là hình minh họa một cây sam núi đang nuôi lại bộ rễ và dấu vết các rễ cũ đã được cắt đi. Để làm được bộ rễ nổi lên cao như cây thành phẩm, cách làm đơn giản rẻ tiền là cắt một miếng nhựa mỏng be bờ để chứa thêm chất trồng bên phía cần nuôi rễ. Sau này rễ mọc dài thì hạ bớt chất trồng xuống cho rễ dần lộ ra. Ban đầu chưa cho cây đổ, các chi từ số 2 trở đi được nuôi trước. Khi bộ tàn đã dần định hình, cây bắt đầu cho đổ thì mới nuôi chi số 1 sau. Nhờ ưu thế ngọn, chi số 1 sẽ nhanh chóng bắt kịp các chi kia và phát triển như mong muốn. Để có 7 chi này, có thể lấy cưa khứa vào các vị trí đã định, làm cho cây nảy mầm tại vị trí mong muốn. Mầm cây lớn lên không tiến hành ghép liền vì giai đoạn này còn đang chờ xứ lý bộ rễ chưa xong. Đợi đến khi cắt xong 3 cái rễ chĩa lên trời thì mới tiến hành ghép lá nhỏ.
Không nên ghép ngay lá nhỏ vì để nguyên cây ban đầu cành nhánh phát triển mạnh hơn, làm cho bộ rễ mau phát triển hơn, thời gian xử lý mấy cái rễ chĩa lên trời được rút ngắn lại. Khi tiến hành ghép, tại vị trí số 3 có 2 nhánh mọc song song cùng kích thước, thay vì cắt bớt đi 1 nhánh, chúng ta để vậy ghép luôn lá nhỏ, tức là có tới 8 mắt ghép. Lý do, phần ngọn thác đổ từ số 4 trở đi còn yếu, vẫn có khả năng chết cho nên giữ nguyên 2 nhánh ở vị trí số 3 để dự phòng. Trường hợp ngọn bị chết thì có phương án khác thay thế. Đây là điều đáng học hỏi, để khi làm một cây thì phải nghĩ đến nhiều đường binh khác nhau đề phòng rủi ro. Sau này, khi thấy cây sống khỏe thì mới cắt bỏ chi thừa.
Riêng chi số 1, chồi không mọc ngay chỗ khứa mà lại mọc ở phía sau. Cuối cùng đành phải kéo cổ nó từ đằng sau áp vòng lên phía đỉnh cho đúng vị trí. Bạn để ý gốc của chi 1 có phần thịt bị lồi ra. Tuy nhiên nhìn tổng thể cây thành phẩm thì phần thịt lồi này không ảnh hưởng đáng kể đến vẻ đẹp của nó.
Đây là góc nhìn chính diện cận cảnh hơn, thật chẳng thể phát hiện ra cành đã được kéo vòng từ sau lên. Mặt sau của chi 1 rất đẹp, hoàn toàn không thể nhận ra vết ghép.
Tóm lại, cho cây đổ từ từ để nuôi rễ trước. Trong quá trình nuôi rễ thì tạo sẵn 6 cành từ số 2 tới số 7 tại vị trí mong muốn. Khi cây đổ hoàn toàn tới vị trí mong muốn thì bắt đầu nuôi ngọn và ghép lá nhỏ.
Hi vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tạo 1 cây thế thác đổ.